Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sau tai biến mạch máu não tại nhà khoa học

Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sau tai biến mạch máu não thường để lại di chứng liệt nửa người, ngoài ra còn kèm theo các rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tâm thần có ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý. Họ luôn trong trạng thái trầm cảm, lo âu, sợ hãi, giận dữ, vui buồn lẫn lộn, khóc cười tự nhiên, tính tình thay đổi hẳn so với thời kỳ chưa mắc bệnh.

Kết quả hình ảnh cho tai biến
Việc chăm sóc và luyện tập cho người bệnh vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ cho sự phục hồi chức năng vận động. Nếu tiến hành sớm và đúng phương pháp sẽ giúp cho người bệnh tránh được tàn phế, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, cần làm những việc cụ thể sau:

- Thường xuyên vệ sinh thân thể cho bệnh nhân, lau người hằng ngày, vệ sinh răng miệng, đầu tóc, móng chân, móng tay phải cắt ngắn. Trở mình liên tục một tiếng một lần để phòng loét các chỗ cơ thể bị đè ép lâu như mông, lưng và gót chân. Tăng cường nuôi dưỡng bằng thức ăn dễ tiêu và đủ dinh dưỡng, số lần ăn, số lượng thức ăn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

- Giúp bệnh nhân tập các động tác thụ động bên chi liệt, tập ngay sau khi hết thời kỳ cấp cứu của nội khoa, các động tác như sau:

+ Chi trên: xoa bóp nhẹ nhàng từ bàn tay lên cánh tay dồn máu về tim để tránh phù nề bên tay liệt. Gập duỗi các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, còn ở khớp vai nên xoay cánh tay ra phía trước, phía sau, lên trên và lắc vai tại chỗ, làm cho khớp vai mềm mại, dần dần tập giơ tay, đếm ngón tay, tập cầm thìa, đũa và cầm lược chải đầu.

+ Chi dưới: xoa bóp nhẹ nhàng từ bàn chân lên đến đùi, dồn máu lên trên tránh ứ huyết ngoại biên. Gập duỗi các khớp ngón chân, lắc cổ chân, xoay ra rồi lại xoay vào nhiều vòng, khớp đầu gối kéo thẳng chân rồi lại gập vào rồi để chân vuông góc với người cho khớp háng khỏi cứng.

Trong quá trình tập luyện bên liệt cần xoa bóp thêm bên lành để khí huyết lưu thông căn cơ mềm mại, tránh teo cơ. Thỉnh thoảng cho bệnh nhân ngồi dậy vỗ nhẹ vào lưng để tránh ứ đọng dịch ở phổi gây viêm nhiễm do nằm lâu (gọi phương pháp vỗ rung). Khi bệnh nhân khỏe dần có thể dùng tay khỏe kéo tay yếu, chân lành hất chân liệt để tập. Một ngày có thể tập 3 lần, mỗi lần 30 phút.

Có thể tạo ra những dụng cụ đơn giản để bệnh nhân tự tập như ở đầu giường buộc một thanh gỗ ngang có dây ròng rọc để bệnh nhân tự cầm kéo, dưới chân giường buộc dây chun co giãn để bệnh nhân tập chân. Khi tập đi buộc một cây sào để người bệnh bám vào đi cho vững trong nhà hoặc ngoài hành lang, ngoài vườn nếu ở vùng đất rộng. Trường hợp bệnh nhân mất tiếng hay nói ngọng, phát âm khó, ta kết hợp day các huyệt ở dưới cằm làm cho lưỡi mềm và dài ra, dạy cho bệnh nhân tập nói, tập đếm... Quá trình tập luyện sau khi liệt thường có những biến chứng hay xảy ra đó là:

- Loạn dưỡng: Tăng nhiệt độ ở da hoặc cảm giác đau đớn nên khi tập bệnh nhân thường chống lại, không muốn hợp tác, vì thế người nhà cần phải kiên trì, động viên an ủi, cho ngâm chân tay vào chậu nước muối ấm để tập vận động.

- Cứng khớp do vôi hóa ở các khớp ít cử động làm chân tay co quắp, không duỗi thẳng được nên rất đau.
- Bệnh nhân bị hôn mê lâu nằm cố định để truyền dịch dễ gây đau thần kinh cánh tay, thần kinh hông do chèn ép.
Sau thời gian tập luyện không nên dừng đột ngột, người bệnh sẽ tập giảm dần thời gian cho cơ thể thích nghi với môi trường, cần có sự trợ giúp của người nhà, tập làm các việc nhẹ và đi bộ hằng ngày. Không phải việc phục hồi của bệnh nhân nào cũng hoàn hảo mà vẫn còn những di chứng nho nhỏ phải chấp nhận, nói chung đại đa số người bệnh tích cực tập luyện, nhanh chóng phục hồi trở về với cộng đồng và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét