Tính đến ngày 6/8, số ca tử vong do Ebola trên toàn thế giới đã lên tới gần 1.000 người, cùng với nỗi lo sợ đang tăng lên khi dịch bắt đầu tấn công Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi.
Sự lây lan của bệnh đã khiến Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải họp khẩn ở Geneva để cân nhắc về tuyên bố một cuộc khủng hoảng quốc tế.
Số tử vong mới nhất được ghi nhận trên khắp tây Phi đã đạt tới con số 932 trường hợp kể từ đầu năm nay, với 1.711 trường hợp xác nhận mắc bệnh, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Cái chết của một y tá ở Lagos, siêu đô thị với hơn 20 triệu dân, nằm trong số 45 trường hợp tử vong ở Tây Phi chỉ trong 3 ngày thứ 7, chủ nhật và thứ hai. Nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế, bao gồm Bác sĩ không biên giới, tuyên bố căn bệnh nhiệt đới đáng sợ này đang vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ở thủ đô Monrovia của Liberia, nơi xác chết bị bỏ mặc không chôn trên các đường phố hoặc trong nhà, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf đã cầu khẩn sự phù hộ của thượng đế và đề nghị 3 ngày nhịn đói và cầu nguyện.
Còn ở Sierra Leone, nơi có số trường hợp xác nhận nhiễm vi rút nhiều nhất, 800 đơn vị quân đội bao gồm 50 y tá quân y đã được gửi đi để canh gác các bệnh viện và cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Ebola.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nhưng người không phận sự sẽ không cản trở công việc của nhân viên y tế”, Đại tá Michael Samura, phát ngôn viên của quân đội nói.
Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, một số cơ sở y tế đã bị phá hoại và nhân viên y tế bị tấn công bởi những đối tượng thanh niên cho rằng bệnh dịch lây lan là do nhân viên y tế.
Những binh sĩ hết thời hạn phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Thống nhất châu Phi tại Somali được lệnh ở lại đất nước này thay vì trở về nhà do nguy cơ Ebola.
Cuộc họp kín của WHO dự kiến phải đến hôm nay mới có quyết định. Nhưng bản thân phiên họp đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của căn bệnh gây sốt và xuất huyết không cầm này.
Cũng trong thứ Tư vừa qua, một máy bay của không quân Tây Ban Nha đã rời khỏi Liberia để đưa một linh mục tuyên úy quân đội về nước điều trị.
Hai nhân viên y tế Mỹ làm việc cho tổ chức cứu trợ Cơ đốc giáo ở Liberia đã được đưa về nước điều trị trong những ngày gần đây.
Dịch ở thủ đô Lagos làm tăng mối lo ngại
Dịch ở Nigeria vẫn còn nhỏ so với những nước bị ảnh hưởng khác ở tây Phi, nhưng những ca bệnh lại phát sinh ở Lagos – thành phố đông dân nhất ở tiểu vùng Sahara – đặt ra những thách thức đặc biệt cho các nhân viên y tế.
Bộ trưởng y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết tất cả 7 trường hợp được xác nhận mắc bệnh tại nước này đều “có tiếp xúc trực tiếp” với Patrick Sawyer, một nhân viên bộ tài chính Liberia, người đã mang vi rút tới Lagos ngày 20/7.
Sawyer, đã tới Nigeria từ Monrovia qua thủ đô Lome của Togo để dự một cuộc họp khu vực, đã bị ốm rõ rệt khi tới sân bay quốc tế ở Lagos.
Cơ quan chức năng cho biết người đàn ông này đã được đưa ngay tới một bệnh viện gần khu chợ Obalende đông đúc, nơi có hàng ngàn cửa hàng của người Nigeria bán các loại hàng hóa cơ bản.
Sawyer chết ngày 25/7 sau khi làm lây bệnh cho một số nhân viên bệnh viện, bao gồm người y tá chết đêm hôm thứ Ba vừa qua.
Bộ trưởng Chukwu trước đó đã tuyên bố Nigeria đang theo dõi 70 người được tin là có tiếp xúc với Sawyer.
Jide Idris, một quan chức y tế ở Lagos cho biết đã xác định được 27 người có “tiếp xúc gián tiếp” với các bệnh nhân Ebola.
Trường hợp nghi nhiễm ở Ả rập Xê út
Một người Ả rập Xê út mới đi du lịch Sierra Leone và có các triệu chứng giống Ebola đã chết hôm thứ 4 vừa qua do đau tim, Bộ y tế nước này cho biết.
Các cơ quan chức năng không tiết lộ kết quả xét nghiệm Ebola được tiến hành ở nước ngoài, nhưng thông báo nạn nhân sẽ được chôn cất theo nghi lễ đạo Hồi với những biện pháp phòng ngừa mà các tổ chức y tế thế giới đặt ra.
Người đứng đầu tổ chức Chữ thập đỏ thế giới, Elhadj As Sy, cảnh báo rằng Ebola sẽ chỉ được kiềm chế nếu lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng, vì “sự kỳ thị và phân biệt đối xử cũng giết chết người bệnh ngang với vi rút”.
Các bài học phải được rút ra từ cuộc chiến chống AIDS và việc đổ trách nhiệm cho nhau sẽ không giúp ích được gì.
“Theo văn hóa châu Phi, sẽ rất khó để bảo người dân không được giao tiếp với người thân đang bị bệnh. Nhưng trong tình hình hiện nay họ sẽ phải làm như vậy”, ông nói.
Ngoài ra, người dân phải tránh xa những nghi thức tang lễ đòi hỏi người nhà phải tắm rửa cho thi thể người chết, vì nạn nhân Ebola vẫn lây truyền bệnh sau khi chết.
Được phát hiện lần đầu tiên năm 1976 và được đặt theo tên của một con sông hiện thuộc Cộng hòa dân chủ Congo, Ebola lây qua tiếp xúc với các dịch cơ thể như máu, nước bọt và mồ hôi.
Vi rút đã đã giết chết khoảng 2/3 số người nhiễm trong 4 thập kỷ qua,với 2 vụ dịch ghi nhận tỷ lệ tử vong tới 90%. Vụ dịch mới đây nhất có tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Dantri.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét